Văn Học Việt Nam Hiện Đại Sau 1975
3. Một số xu hướng chuyển biến chính văn hóa chính trị Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Được thành lập năm 1947 (77 năm) tại Thủ đô Seoul - Trung tâm văn hóa, chính trị Hàn Quốc
Trường đào tạo đa ngành nghề, Kinh tế, Quân sự, Sư phạm, Công nghệ máy tính, Điện Ảnh, Âm nhạc, Thời Trang và đặc biệt là
NGÀNH LÀM ĐẸP BEAUTY ART nổi tiếng nhất Hàn Quốc và cả Thế giới.
Trường ĐH Seokyeong được chứng nhận là trường ƯU TIÊN cấp mã CODE VISA THẲNG từ năm 2023
Hỗ trợ việc làm thêm cho sinh viên (nếu có)
Khoa Tiếng Hàn kinh tế du lịch (mới)
Chất lượng đào tạo và dịch vụ 5 sao
Văn phòng hỗ trợ sinh viên 2 đầu Việt Nam và Hàn Quốc
Văn phòng đại diện SeoKyeong tại Hà Nội, Việt Nam
096 1611112/ 0559956758 [email protected]
Tản văn Tiên Tần là cách gọi của khoa văn học sử Trung Quốc. Thuật ngữ này nằm trong hệ thống các thuật ngữ như: Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, Minh Thanh tiểu thuyết,… Trong cụm từ “Tản văn Tiên Tần”, thì “Tiên Tần” chỉ “trước Tần”- tức trước lúc Tần Thủy Hoàng xóa bỏ cục diện lục quốc, chấm dứt tình trạng hỗn chiến lâu dài, thống nhất Trung Hoa thành đại đế chế. Khoảng thời gian “trước Tần” thực tế chính là chỉ thời đại Xuân Thu – Chiến Quốc[1] (770 TCN – 221 TCN).
1. Nguồn gốc của tản văn Tiên Tần
Xã hội Trung Quốc cuối thời Đông Chu[2] có sự biến đổi mạnh mẽ. Hoạt động văn hóa giáo dục nói chung không còn do quan phủ nắm quản. Giai tầng “sĩ” có thể tự do tổ chức việc học. Hoạt động “giáo dục tư nhân hóa” đã làm sản sinh thể “văn ngữ lục” hỏi – đáp. Văn ngữ lục (ghi lời) là dạng văn nói. Đó là lời nói của các nhân vật lịch sử được người đương thời hoặc người đời sau ghi lại trong sách, thường là trong các bộ chính sử. Chính quyền trung ương triều Chu lúc bấy giờ đã suy yếu, các nước chư hầu tìm cách thôn tính lẫn nhau, vua các chư hầu tùy khi tùy nơi thực hiện chính sách ưu đãi tầng lớp sĩ, cho nên việc “nuôi kẻ có chữ” (dưỡng sĩ) trở thành thời thượng. Một khi chính trị phân liệt, ý thức hệ chính thống suy yếu, thì tự do tư tưởng cũng tìm được cho nó những không gian mới. Trong xã hội xuất hiện lớp trí thức “sớm Sở tối Tần” du thuyết thiên hạ, xưng là “không chấp chính nhưng nghị luận chính sự”, “mượn viết sách để bàn chuyện trị loạn”. Những kẻ tiêu biểu nhất của giai tầng đó đã làm hình thành nên cục diện “bách gia chư tử” và hiện tượng “bách gia tranh minh”[3]. Họ tự nhận lấy nhiệm vụ, sứ mệnh cứu đời trị quốc và thể hiện tư tưởng, quan điểm về các vấn đề xây dựng đất nước, cải tạo xã hội. Thực tiễn xã hội đương thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viết lách, giúp kẻ sĩ có không gian thể hiện sự phân tích, nghị luận, quảng bá quan điểm, tư tưởng riêng, nói như ngày nay là có các diễn đàn để trao đổi, phát biểu ý kiến. Vì thời cuộc chuyển biến mạnh mẽ, cục diện xã hội kịch biến, triều chính đa đoan, ngoại giao giữa các nước chư hầu trở nên năng động, chiến loạn bộc phát, mà nhu cầu ghi chép các sự kiện, hoạt động xã hội nảy sinh, từ đó kích thích sự ra đời của văn xuôi kí sự lịch sử. Thời đại Xuân Thu – Chiến Quốc cũng là thời Trung Hoa chế tác phổ biến các loại thanh tre (trúc giản) và lụa mảnh (bạch thư) dùng vào việc khắc-viết, đó cũng là một nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của tản văn.
Có thể nói, ngọn nguồn của tản văn Trung Quốc cổ đại được tính từ thời đại Ân Thương. Các nhà khảo cổ học từng đọc thấy ở Giáp cốt “bốc từ” (những lời bói toán được ghi khắc lên mai rùa, xương thú) nhiều câu văn hoàn chỉnh. “Bốc từ” – với các thông tin về thời gian, nơi chốn, tên người chiêm bốc, nội dung cầu hỏi, lời giải…, có loại đã có đến không dưới 150 chữ – được xem là manh nha của văn kí sự sơ khai (loại văn xuôi còn ở dạng thô sơ). Đến thời Tây Chu, người ta lại thấy có các “văn bản” trên đồ đúc bằng đồng (gọi là “minh văn”[4]), trong đó câu dài nhất đã có từ ba đến năm chữ, nội dung chủ yếu ghi công trạng, ghi việc thưởng phạt hay chuyện kiện tụng. Từ những kí khắc câu, từ tản mạn trên “bốc từ” Giáp cốt đời Ân Thương ghi lời bói vu thuật hàm chứa những trần thuật nhất định phát triển đến thành chương, đoạn; rồi về sau quy mô hơn, phát triển thành các thiên, bài hoàn chỉnh – đó chính là khởi bước đầu tiên của tản văn Trung Hoa.
Mặc dù vậy, chỉ đến khi Thượng Thư xuất hiện, các nhà nghiên cứu mới lấy tác phẩm ấy làm mốc đánh dấu sự ra đời thực sự của tản văn Trung Hoa cổ đại. Nếu như “bốc từ” (cũng như “phệ từ” trong Chu dịch) do các “vu quan” (người chiêm bốc chuyên nghiệp) thực hiện, thì Thượng Thư đã do các sử quan (quan chuyên chép sử)[5] kí lục. Không phải là sự ghi lại lời cầu khẩn đối với thần hay lời thần gợi ý như “bốc từ”, “phệ từ”; Thượng Thư ghi chép chính lệnh cũng như ngôn hành (lời nói và việc làm) của vương công các đời Ân Thương, Tây Chu và Đông Chu với lời văn gãy gọn. Trong Thượng Thư, các thiên như “Bàn Canh” (ghi lời ba lần Bàn Canh huấn dụ dời đô về đất Ân), “Vô dật” (ghi chuyện Chu Công giáo huấn, khuyên răn Chu Thành Vương chớ ham mê hưởng thụ), “Mục thệ” (ghi lời thệ sư của Vũ Vương trước khi phạt Trụ), hay “Đa sĩ” (ghi lời Chu Công răn dạy dân chúng triều Ân vừa bị nhà Chu tiêu diệt)… đều có thể được coi là những thiên luận thuyết tương đối hoàn chỉnh. Bởi “tuy là sự ghi chép lời nói của tầng lớp thống trị, nhưng không phải ghi chép trực tiếp qua lời nói miệng, mà nó đã được các sử quan dùng văn tự xử lí, nên có thể xem là loại “văn chương” sớm nhất”[6]. Cùng với đó, những thiên như “Cố mệnh” (ghi chuyện Chu Thành Vương lâm chung, Chu Khang Vương lên ngôi) với lối kể có trình tự lớp lang cũng có thể xem là những thiên tự sự khá hoàn chỉnh.
2. Tản văn lịch sử và tản văn triết lí – các tác phẩm giàu yếu tố tự sự và nghị luận
Hiểu một cách đơn giản, tản văn Tiên Tần chỉ các tác phẩm văn xuôi ra đời từ cuối thời Xuân Thu đến hết thời Chiến Quốc. Dĩ nhiên, thời Tiên Tần chưa có sự phân biệt giữa tác phẩm “văn học” và “phi văn học”. Sự phân biệt phổ biến thời kì ấy chỉ là phân biệt giữa “tản văn” và “vận văn”, cho nên tất cả các tác phẩm mang tính chất ghi chép, tổng kết các sự kiện lịch sử như: Thượng Thư, Xuân Thu, Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách; hay tập hợp những kiến giải chính trị, quan điểm, luân lí đạo đức của các nhà tư tưởng nổi tiếng đương thời như: Luận ngữ, Mạnh Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử… đều thuộc tản văn Tiên Tần. Căn cứ vào nội dung tác phẩm, các nhà nghiên cứu nhận ra sự khác biệt giữa những tác phẩm mang nặng tính kí thuật sự việc với tác phẩm thiên về tính thuyết luận, nên đã có sự phân chia thành hai loại: Tản văn lịch sử (còn gọi là tản văn sử truyện) và tản văn triết lí (còn gọi là tản văn chư tử). Tản văn lịch sử chú trọng việc kí thuật sinh hoạt triều chính và các sự kiện xã hội lớn, còn Tản văn triết lí lại nổi bật ở đặc điểm nghị luận, thuyết lí. Tuy là các trước tác lịch sử và triết lí nhưng cả hai loại tản văn này đều mang đậm tính chất văn học.
2.1. Nói đến tản văn sử truyện Tiên Tần, ngoài Thượng Thư, cần phải kể đến các tác phẩm Xuân Thu, Tả truyện, Quốc ngữ và Chiến Quốc sách. Xét về nguồn gốc ra đời, Thượng Thư là tác phẩm cổ xưa nhất, do sử quan của vương triều Ân Thương ghi chép lại. Thượng Thư có nghĩa là “thượng cổ chi thư”; đời Xuân Thu – Chiến Quốc, được gọi là Thư; đến đời Hán, mới được gọi lại với tên Thượng Thư. Tác phẩm được Nho gia tôn làm kinh điển – gọi là Kinh Thư. Còn Xuân Thu thì vốn dùng chỉ chung các sách sử của các nước thời Tiên Tần, nhưng về sau, bởi chỉ còn Xuân Thu do sử quan của nước Lỗ biên soạn được truyền lại, nên nó trở thành tên chỉ riêng bộ sách này. Xuân Thu được Khổng Tử chỉnh lí, tu đính và cũng được tôn thành sách kinh điển quan trọng của Nho gia – gọi là Kinh Xuân Thu. Xuân Thu ghi chép lịch sử 242 năm (từ 722 TCN đến 481 TCN) theo trình tự thời gian. Đây chính là bộ sử viết theo thể biên niên đầu tiên của Trung Quốc.
Mô phỏng thể cách biên niên của Xuân Thu, Tả truyện với việc ghi chép các sự kiện trọng đại về các phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao của các đời vua nước Lỗ, cũng đã tạo thành một trước tác lịch sử hoàn chỉnh. Tả truyện là tên gọi phổ biến kể từ sau đời Hán. Tên đầy đủ của tác phẩm này là Xuân Thu Tả Thị truyện (nguyên tên: Tả Thị Xuân Thu, đời Hán gọi là Xuân Thu Tả Thị, Xuân Thị nội truyện). Đây được xem là công trình chú giải cho bộ sử Xuân Thu, do Tả Khâu Minh – một sử quan nước Lỗ cuối thời Xuân Thu thực hiện (theo sử sách, chú giải Xuân Thu không chỉ có mỗi Tả truyện, mà còn có các bộ Công Dương truyện và Cốc Lương truyện. Hai bộ này cùng với Tả Thị truyện được gọi gộp là Xuân Thu tam truyện). Sách Xuân Thu ghi lại chuyện nước Lỗ theo kiểu biên niên, ngôn từ hàm súc, sự việc được ghi chép gọn gẽ, phản ánh những logic tình tiết chặt chẽ. Vì Xuân Thu vốn kí thuật quốc sử một cách khái quát, nên Tả Khâu Minh soạn Xuân Thu Tả truyện để “cụ thể hóa” Xuân Thu. Tả truyện kí thuật khoảng lịch sử từ năm thứ nhất đời Lỗ Ẩn Công đến năm thứ 14 đời Lỗ Điếu Công (tương đương công lịch là năm 722 TCN đến năm 454 TCN, hoặc năm 468 TCN nếu theo thuyết chép đến chuyện đời Lỗ Ai Công). Tác phẩm trình bày một cách chi tiết đầu đuôi (bản mạt) các sự kiện lớn. Đọc Tả truyện, chúng ta có thể hình dung được hoạt động chính trị, ngoại giao và quân sự của các nước chư hầu thời Xuân Thu, hình dung được chân dung các nhân vật lịch sử qua sự ghi chép các hành vi, ngôn ngữ của họ. Trong quá trình kể chuyện, Tả truyện chú trọng tới việc biểu hiện nhân vật trong mối xung đột lịch sử, qua hoạt động của nhân vật làm nổi rõ các biến chuyển của lịch sử. Đặc biệt, Tả truyện nổi tiếng trong việc trần thuật các trận chiến, một lối trần thuật chi tiết đến tận đối thoại của các tướng lĩnh đồng thời cũng khái quát được tính chất chung của cả chiến dịch, nguyên do và kết quả của các trận chiến ấy. Tác phẩm gồm 35 quyển, là bộ sách dài nhất trong tập Thập tam Kinh (bộ mười ba tác phẩm kinh điển được Nho học đề cao).
Đánh giá Tả truyện, các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là “trước tác lịch sử đầu tiên đã chứa đựng nhân tố văn học dồi dào”, góp phần “hình thành truyền thống kết hợp văn học và lịch sử”[7], có ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách viết của các bộ sử truyện đời sau như Chiến Quốc sách hay Sử ký, đồng thời cung cấp nguồn đề tài phong phú và kinh nghiệm sáng tác cho các tác phẩm tiểu thuyết, hí kịch về sau. Lương Khải Siêu nhận xét: “Tả truyện văn chương đẹp đẽ. Kí sự đối với những việc phức tạp như 5 đại chiến dịch thì rõ ràng, chặt chẽ, nêu bật được đường nét chính, trần thuật tình tiết khúc chiết, sáng sủa, có thể nói đạt đến bản lĩnh cực cao; kí ngôn thì sâu sắc, lịch duyệt mà sinh động hoạt bát… Văn Tả truyện tuy đã rất xưa vậy mà không có cái bệnh trúc trắc cầu kì, rất là dễ đọc. Cho nên để chọn làm mẫu chuyện cho việc học viết văn thì Tả truyện vẫn đáng xếp vào hàng tác phẩm phải đọc kĩ”[8]. Tả truyện, như vậy đã đánh dấu bước tiến bộ rõ rệt của tản văn lịch sử Tiên Tần. So với Xuân Thu “nặng về thuyết lí, mà nhẹ phần ghi chuyện”, Tả truyện với sở trưởng về cả phương diện tả người và kể chuyện, hẳn đã mang nhiều giá trị văn học.
Nếu Xuân Thu, Tả truyện tiêu biểu cho thể sử biên niên; thì Quốc ngữ và Chiến Quốc sách tiêu biểu cho thể sử quốc biệt (ghi chép lịch sử theo từng nước). Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa ngã ngũ vấn đề tác giả của Quốc ngữ. Theo ý kiến sớm nhất của tác giả cuốn Sử ký là Tư Mã Thiên, thì Tả Khâu Minh là người biên soạn cuốn sử này. Tác giả sách Hán Thư là hai cha con Ban Bưu và Ban Cố cũng cùng quan điểm trên. Tuy nhiên, không ít học giả từ đời Tấn đến đời Đường và kéo dài đến tận đời Thanh lại cho rằng, Quốc ngữ phải là công trình tập thể, Tả Khâu Minh có thể chỉ là một thành viên trong đó mà thôi. Tuy không sánh được với Tả truyện về mọi mặt, và nói chung không phải là trước tác lịch sử có hệ thống hoàn chỉnh, nhưng Quốc ngữ cũng đạt được những giá trị nhất định về phương diện văn học. Tác phẩm mặc dù vẫn thiên về việc ghi lời, song khi tường tận, lúc sơ lược, cũng đã ghi chép được nhiều ngôn luận và sự kiện lịch sử mang tính trọng điểm, trong đó có không ít đoạn trần thuật sinh động, khúc chiết, mạch lạc, đặc sắc. Ví như những đoạn thuật chuyện: Lệ Vương bị dân đuổi, Câu Tiễn phục quốc, Ngô – Việt tranh bá… Được xem là tác phẩm khởi đầu cho thể loại “quốc biệt sử” (sử thuật theo từng nước), Quốc ngữ chép sử các nước chư hầu đời Đông Chu gồm: Lỗ, Tề, Tấn, Trịnh, Sở, Ngô, Việt; bao quát cả quãng thời gian dài từ sự kiện Chu Mục Vương chinh phạt bộ tộc Khuyển Nhung (khoảng năm 947 TCN) đến việc Trí Dao nước Tấn chết trận Tấn Dương (năm 453 TCN – đời Chu Trịnh Định Vương).
Chiến Quốc sách – tác phẩm được tạo thành bởi tập hợp các tư liệu chủ yếu ghi chép về tình hình chính trị, ngoại giao của các nước chư hầu và những hoạt động du thuyết, kĩ năng biện luận, mưu lược chính trị của các “tung hoành gia”, các “biện sĩ” (người có nhiều lí lẽ, có tài tranh biện) thời Chiến Quốc – cũng nổi tiếng với nhiều màn tự sự hấp dẫn, bút pháp trần thuật linh hoạt và những đối thoại giàu kịch tính. Nhiều đoạn ngôn hành của các mưu sĩ đã đi vào vốn thành ngữ, kho tàng điển cố Trung Hoa. Do vậy, tác phẩm này đã trở thành điển tịch không thể không đề cập tới khi nghiên cứu xã hội Trung Hoa thời Chiến Quốc. Các học giả Trung Quốc cho biết, chưa xác định được ai là tác giả của sách này, tên cuốn sách trước đó cũng vốn không được xác định. Chỉ biết rằng, đến thời Tây Hán, sau khi biên tập, hiệu đính xong tác phẩm, Lưu Hướng mới đặt tên là Chiến Quốc sách. Tên sách được lí giải gắn với nội dung của nó: ghi chép lại thời đại hỗn chiến giữa các nước chư hầu cuối thời Đông Chu, các “tung hoành gia” nghĩ kế sách ngoại giao, chính trị giúp quân chủ. Chiến Quốc sách cùng thể cách với Quốc ngữ (soạn sử theo từng nước). Bộ sách không ghi chép sự kiện theo hệ thống thứ tự hoàn chỉnh, mà ghi lại sự kiện các nước một cách độc lập. Ví như, trong tổng cộng 33 chương của bộ sách, thì kí tải lịch sử Đông Chu – một chương; Tây Chu – một chương; Tần – năm chương; Tề – sáu chương; Sở, Triệu và Nguỵ – mỗi nước bốn chương; Hàn và Yên – mỗi nước ba chương, Tống và Vệ hợp chung vào một chương…
Khác với Tả truyện và Quốc ngữ, tuy là trước tác lịch sử nhưng Chiến Quốc sách ghi chép nhiều chuyện “nếu xem là sự thật lịch sử thì quả không đáng tin”. Tác phẩm “không hoàn toàn câu nệ tính chân thực của lịch sử”, do đó “sinh động, tự nhiên và giàu sinh khí hơn những trước tác lịch sử trước nó”[9]. Xét từ phương diện văn học, tác phẩm này có nhiều điểm vượt trội so với các tản văn lịch sử đương thời. Thứ nhất, ngôn ngữ tác phẩm dù là những đoạn kể chuyện hay thuyết lí đều thể hiện sự đa biến, uyển chuyển, tinh tế với việc sử dụng thường xuyên thủ pháp khoa trương gây tác động mạnh tới tình cảm con người. Thứ hai, nghệ thuật miêu tả sự kiện, nhân vật không chỉ dừng ở những nét phác hoạ giản đơn, mang tính đại thể, mà đã khéo léo đi vào khắc hoạ những tình tiết cụ thể, đôi chỗ pha chút hư cấu nghệ thuật, vì vậy sự kiện càng trở nên sống động, nhân vật mang thần thái sắc nét, giàu cá tính. Nhiều nhân vật trong tác phẩm như Tô Tần, Trâu Kỵ, Trương Nghi, Lỗ Trọng Liên, Đường Thả… đều hiện lên sinh động.
Điểm đặc biệt nữa của Chiến Quốc sách, đó là các nhân vật thường sử dụng những chuyện ngụ ngôn mang hàm ý sâu sắc khiến cho lời thuyết lí giàu sức thuyết phục. Chẳng hạn, Tô Tần mượn ngụ ngôn Pho tượng đất và pho tượng gỗ làm tiêu tan ý định sang du thuyết nước Tần của Mạnh Thường Quân; kẻ du thuyết nước Tề dùng câu chuyện ngụ ngôn Cá biển lớn thuyết phục Tịnh Quách – cha của Mạnh Thường Quân từ bỏ ý muốn tách khỏi nước Tề lập giang san riêng; Giang Nhất dùng ngụ ngôn Cáo mượn oai hùm chất vấn Sở Tuyên Vương; Tô Đại lấy ngụ ngôn Ngao cò tranh nhau giúp Triệu Huệ Vương ngừng việc đem quân đi chinh phạt; Quý Lương lấy ngụ ngôn Trống đánh xuôi kèn thổi ngược khuyên ngăn Nguỵ Vương thôi phạt Triệu; Trần Chẩn lấy ngụ ngôn Vẽ rắn thêm chân khuyên ngăn Chiêu Dương không đánh Tề… Việc sử dụng phổ biến ngụ ngôn với thủ pháp tỉ dụ uyển chuyển trong Chiến Quốc sách bên cạnh ý nghĩa làm gia tăng tính trí tuệ, tính thuyết phục cho ngôn ngữ nhân vật, còn có giá trị khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của người đọc, chất văn học do đó cũng gia tăng.
2.2. Là tác phẩm của các đại biểu thuộc nhiều trường phái tư tưởng thời đại, tản văn triết lí cũng được gọi là tản văn chư tử. “Chư tử” nguyên là từ chỉ các bậc học giả có viết sách để truyền bá tư tưởng của mình, ở đây dùng để gọi chung các nhà tư tưởng đại biểu cho các trường phái tư tưởng thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Các trường phái như Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia đều có các tác phẩm tản văn biểu thuật tư tưởng của mỗi nhà. Lẽ dĩ nhiên, đối thoại giữa các trường phái tư tưởng không phải là đồng phát trong cùng thế hệ, do vậy mới có sự sắp xếp các tác phẩm vào các giai đoạn khác nhau: (1) Giai đoạn cuối Xuân Thu – đầu Chiến Quốc: các tác phẩm thiên về ghi lại những cuộc đàm thoại theo thể ngữ lục hoặc thiên về các tiểu đoạn nghị luận (tiêu biểu là Luận ngữ và Mặc Tử); (2) Giai đoạn Chiến Quốc: các tác phẩm có sự gia tăng sắc thái luận biện (thay vì kí thuật cuộc mạn đàm, tác giả tập trung vào các cuộc đối thoại mang tính luận biện, hoặc cũng có thể chuyên bàn luận về một đề tài độc lập – mang dáng dấp của một tiểu luận chuyên đề; tiêu biểu là Mạnh Tử và Trang Tử); (3) Giai đoạn hậu kì của thời đại Chiến Quốc: xuất hiện nhiều tác phẩm nghị luận cỡ lớn, định hình thể loại văn luận thuyết (tiêu biểu là Hàn Phi Tử và Tuân Tử). Ngoài các sách trên, còn có các tác phẩm khác như Lão Tử[10] thuộc giai đoạn giao thời Xuân Thu và Chiến Quốc; hay Lã Thị Xuân Thu[11] thuộc giai đoạn cuối thời Chiến Quốc… Trong các tác phẩm tản văn chư tử, có cuốn do các môn đệ ghi chép lại ngôn hành của thầy mình – người khởi xướng trường phái đó; có cuốn lại do chính đại biểu trường phái ấy trứ thuật lúc sinh thời. Thuộc về loại trước có thể kể đến sách Luận ngữ, loại sau tiêu biểu là sách Hàn Phi Tử.
Tản văn chư tử nổi bật nhất ở đặc điểm tập trung thể hiện tư tưởng khai phóng của các nhà tư tưởng. Mỗi tác phẩm là một phong cách, một quan điểm được trình bày rõ ràng đến nỗi hậu thế có thể tóm tắt mỗi tác gia trong chỉ vài ba từ, chẳng hạn: Khổng Tử hô hào “nhân, nghĩa, lễ, nhạc”; Mặc Tử đề xướng “kiêm ái”, tôn hiền tài; Trang Tử chủ trương tự nhiên “vô vi”; Hàn Phi Tử xưng tụng “pháp trị”… Các tác phẩm có sự độc lập về tư tưởng, và đi liền với đặc điểm ấy là sự nổi bật về phong cách: Luận Ngữ bình dị, khoan thai, hàm súc, luôn biểu đạt rõ điều cốt yếu; Mặc Tử chất phác, dứt khoát, diễn đạt logic, giỏi lấy dẫn chứng và tổng kết khái quát hóa từ việc phân tích các ví dụ cụ thể; Mạnh Tử khí thế, khoáng đạt, hùng biện sắc sảo, quan điểm bộc lộ sắc nét, thái độ tình cảm luôn hiện rõ đầu ngọn bút, sở trường dùng tỉ dụ để biểu đạt lí lẽ; Tuân Tử hồn hậu, bút pháp chặt chẽ, sử dụng thủ pháp ẩn dụ phong phú; Hàn Phi Tử sắc lạnh, luận biện thấu đáo; Trang Tử phong độ dạt dào, văn ý kì diễm…
Được coi là một trong các tác phẩm kinh điển của Nho gia[12], Luận ngữ vốn là tập sách biên thuật những ngôn luận của Khổng Tử. Sách Hán Thư (phần “Văn nghệ chí”) viết: “Lúc bấy giờ, các đệ tử ai nấy đều ghi chép riêng, đến khi Khổng Tử mất, môn nhân của Khổng Tử mới cùng nhau thảo luận và biên soạn, nên mới gọi là Luận Ngữ”[13]. Quá trình biên soạn thành sách của tác phẩm này được hình dung như là sự tập hợp những lời đối đáp giữa Khổng Tử với học trò và những người khách gặp; cả những lời thuật kể của các môn đệ của ông, tạo thành một văn bản hoàn chỉnh. Các cuộc chuyện trò, các lời thuật kể được tập hợp trong đó đủ để người đọc cảm nhận và suy tư ít nhiều về các vấn đề: từ quan niệm trị quốc cho đến ý thức đạo đức cá nhân theo quan niệm Nho gia, bên cạnh đó còn thấy được kinh lịch của thầy trò Khổng Tử cũng như quang cảnh xã hội Trung Hoa thời Tiên Tần. Sách gồm 20 thiên, các thiên được gọi tên bằng vài ba chữ đầu của câu ngay sau cụm từ “Tử viết” hay “Tử vị” (Tử nói), cũng có khi được gọi tên bằng vài chữ mở đầu. Các “nhan đề” như thế dĩ nhiên không phải là sự phản ánh nội dung cơ bản của thiên. Được viết theo thể ngữ lục, tức chủ yếu ghi chép lời nói và những câu đối thoại, Luận ngữ từ đầu đến cuối là sự ghép nối những đoạn văn tương đối độc lập. Những lời nói và lời thoại tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng nhiều câu mang ý tứ sâu xa, trở thành những cách ngôn, thành ngữ lưu truyền hậu thế, chẳng hạn: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy tư cũng như không có học, suy tư mà không học trong thực tế là rất nguy hiểm); “Nhân vô viễn lự, ắt hữu cận ưu” (Người không lo xa, ắt có buồn gần); “Dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín” (Kết giao bằng hữu, nói lời giữ lời); “Như thiết như tha, như trác như ma” (Tu thân như cắt gọt, như mài giũa); “Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã” (Trong bốn biển, đều là anh em); “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (Quân tử hiểu về nghĩa, tiểu nhân hiểu về lợi); “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã” (Thấy bậc hiền tài, suy nghĩ cách để mình cũng như họ, thấy người xấu kém thì tự hướng nội kiểm điểm mình); “Tam tư nhi hậu hành” (Suy nghĩ ba lần rồi mới hành động); “Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân” (Bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta như phù vân); “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” (Trong ba người cùng đi, ắt có người là thầy của mình; chọn cái tốt của người ta mà học theo, cái chưa tốt của người ta mà tự sửa mình); “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” (Không ở vị trí đó thì không bàn về việc của vị trí đó); “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (Người xưa học vì mình, người nay học vì người); “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn tắc loạn đai mưu” (Nói năng hoa mĩ sẽ làm rối loạn đạo đức. Việc nhỏ không nhẫn nhịn sẽ làm hỏng mưu lớn)… Luận ngữ cũng có nhiều đoạn đối đáp dùng lối tỉ dụ hết sức hoạt bát, thành thục, trôi chảy.
Bao gồm 7 chương, sách Mạnh Tử tập trung biểu đạt tư tưởng của Mạnh Tử – người đã kế thừa, phát triển tư tưởng của Khổng Tử và trở thành bậc đại sư của Nho gia, được hậu thế tôn là “Á Thánh”. Các học giả Tư Mã Thiên, Chu Hy đều cho rằng Mạnh Tử là người đích thân viết sách Mạnh Tử, trong khi nhiều học giả khác như Hàn Dũ, Tô Triệt lại khẳng định sách này do các học trò của Mạnh Tử là Vạn Chương, Công Tôn Sửu… truy chép lại lời thầy. Về thể cách, Mạnh Tử cũng như Luận ngữ viết theo thể ngữ lục, thuộc loại ghi chép lời nói, trình bày các chủ đề tư tưởng theo lối đối đáp, từ đó đi đến phê bác quan điểm “tiêu cực”. Nhưng khác với Luận ngữ, Mạnh Tử mang tính văn học rõ nét hơn, thể hiện ở lối kết cấu hoàn chỉnh, mạch lạc; có nhiều đoạn viết xoay quanh một vấn đề cụ thể, cho nên chỉ cần thêm vào một cái tiêu đề, nó có thể trở thành một thiên độc lập. Tính văn học của Mạnh Tử còn biểu hiện ở chỗ biết dùng những hình tượng tỉ dụ cho lời nói, dùng những câu chuyện ngụ ngôn xen vào lời thuyết lí, giúp cho các tình tiết và nhân vật hiện lên sống động, tác phẩm giàu chất tự sự hấp dẫn.
Tác phẩm Trang Tử (còn được gọi là Nam Hoa Chân Kinh hoặc Nam Hoa Kinh) bao gồm 33 thiên[14] với ba phần: “Nội thiên”, “Ngoại thiên” và “Tạp thiên”. Giới nghiên cứu nhận định 7 chương “Nội thiên” do chính Trang Tử tự soạn, còn 15 chương “Ngoại thiên”, 11 chương “Tạp thiên” thì do học trò của Trang Tử và người đời sau theo thuyết của ông biên soạn. Về phương diện văn học, sách Trang Tử đã thoát li hình thức của thể văn ghi chép lời nói, đánh dấu sự phát triển lên đến đỉnh cao của tản văn Tiên Tần. Phần “Nội thiên” mà các học giả đánh giá là “đúng với tư tưởng phong cách Trang Tử” nhất có một lối hành văn khoáng đạt, nhuốm đậm sắc thái lãng mạn cá nhân chủ nghĩa độc đáo. Trang Tử là kết tinh tài năng sử dụng các phép tu từ bậc thầy. Giỏi dùng ngụ ngôn, tác phẩm thể hiện sức tưởng tượng kì diệu, đậm chất huyễn ảo. Tác phẩm cũng cho thấy một tầm khái quát văn hóa, cũng như khả năng “tường giải” liên văn bản (thần thoại-truyền thuyết, ngụ ngôn, điển ngữ, giai thoại) cao độ của tác giả. Xưa nay, không mấy học giả nghiên cứu Trang Tử mà không dẫn ra những ví dụ kinh điển như “Trang Chu mộng bướm”, “Trang Tử gặp đầu lâu khô trên đường sang Sở”, “Trang Chu đến Điêu Lãng”… Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét: Trang Tử “đứng đầu trong chư tử ở thời Chiến Quốc: lời ông mạnh mẽ, tư tưởng tân kỳ, tưởng tượng dồi dào, phép ngụ ngôn tuyệt khéo”[15]. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng rất mực đề cao hình thức nghệ thuật mới mẻ của Trang Tử: “Kết cấu văn chương trong sách Trang tử cũng rất kì lạ. Xem ra như không chặt chẽ, thường xuất hiện một cách đột ngột, muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng, mênh mông như biển cả, biến hoá đa đoan, có lúc chừng như không tương quan gì cả, nhưng tư tưởng lại quán xuyến liền lạc. Hình thức câu cũng giàu tính biến hoá, hoặc thuận hoặc đảo ngược, hoặc dài hoặc ngắn, lại thêm từ vựng rất phong phú, miêu tả rất tế nhị, và nhất là thường áp vận không quy tắc, nên tỏ ra rất có sức mạnh, giàu tính sáng tạo độc đáo”[16]. Khó có thể nói hết vẻ đẹp của những trang văn Trang Tử cũng như ảnh hưởng lớn lao và lâu dài của tác phẩm này đối với cả nền văn hóa Trung Hoa. Tác phẩm một mặt được coi là sản phẩm của thời đại, mặt khác là sự kết tinh trí tuệ, nét sáng tạo độc đáo trong thế giới quan của Trang Tử – tác gia có phong cách nổi bật nhất trong số các tác gia tản văn triết lí thời Tiên Tần.
Ngay từ thời Tiên Tần, Trung Hoa đã định hình được phong cách của loại văn xuôi mang tính luận thuyết. Tất nhiên, đó hoàn toàn không phải là thứ luận thuyết nghị luận đơn thuần. Lối diễn đạt tràn đầy hình ảnh tu từ, với các câu chuyện minh họa phong phú, cộng với cảm hứng trữ tình của người viết… tất cả tạo nên sức hấp dẫn rất riêng, có ảnh hưởng trực tiếp tới thể loại văn xuôi tự sự hư cấu (truyện ngắn, tiểu thuyết) cũng như cả thể loại thơ ca các giai đoạn sau.
Tùy vào tiêu chí phân loại, các nhà nghiên cứu có thể xếp các tác phẩm tản văn Tiên Tần theo nhiều cách. Nhưng dù theo cách nào đi nữa thì người đọc vẫn có thể nhận thấy, ở mỗi tác phẩm của cả hai loại tản văn sử truyện và tản văn chư tử đều có đủ cả yếu tố tự sự và nghị luận. Về mặt tự sự, tản văn Tiên Tần cho thấy khả năng trần thuật cao cường các đại sự kiện cũng như nghệ thuật khắc họa nhân vật theo lối truyền thần và lối viết ngụ ngôn hàm súc kết hợp với thủ pháp ẩn dụ đặc sắc. Về mặt nghị luận, thuyết lí, tản văn Tiên Tần nổi bật đặc điểm: lập luận thì logic, nặng về tư biện; còn thuyết luận thì sắc sảo, khúc chiết.
Tản văn Tiên Tần từng trở thành điển phạm học tập của các nhà văn đời sau. Nó không chỉ đặt nền tảng cho sự phát triển đến mức thuần thục của thể văn nghị luận, mà còn là ngọn nguồn khơi gợi cho sự phát triển của thể loại ngụ ngôn cũng như tiểu thuyết. Nó có ảnh hưởng đến ngay những tác gia thời đại kế tiếp như Lưỡng Hán (tiêu biểu là Giả Nghị, Tư Mã Thiên), Ngụy-Tấn (tiêu biểu như Nguyễn Tịch, Kê Khang, Đào Tiềm), và cho đến tận các thời đại sau này như Đường, Tống (tiêu biểu là Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Tô Thức)… Nếu có thể nói đến truyền thống gọi là “văn-sử-triết bất phân” trong văn hóa Trung Hoa, thì truyền thống đó thực ra đã khởi từ tản văn Tiên Tần. Dĩ nhiên, ảnh hưởng văn chương gắn liền với ảnh hưởng ngôn ngữ. Tản văn Tiên Tần với vốn thành ngữ, điển cố-điển tích, phép tu từ phong phú cũng đã góp phần quý báu trong việc nâng cao sức mạnh biểu đạt cho Hán ngữ.
[1] Tên gọi Xuân Thu vốn bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu – cuốn sử tương truyền do sử quan nước Lỗ biên soạn, được Khổng Tử chỉnh lí; còn tên gọi Chiến Quốc thì xuất phát từ cuốn Chiến Quốc sách – tác phẩm viết về lịch sử Trung Hoa thời Chiến Quốc, được hình thành từ cuối đời Chiến Quốc cho tới đời Tần Hán. Điểm khởi đầu thời Chiến Quốc, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm.
[2] Nhà Chu kết thúc vào năm 256 TCN.
[3] Văn hóa sử Trung Quốc dùng cụm từ “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng) để khái quát một thời đại khai phóng về mặt tư tưởng, học thuật.
[4] “Minh văn” (còn gọi “kim văn”) là bước kế thừa của Giáp cốt văn, ra đời cuối thời nhà Thương, thịnh hành thời Tây Chu; thường được khắc trên đồ kim khí, đặc biệt là trên chuông (chung), đỉnh (vạc) nên còn được gọi là “Chung Đỉnh văn”. Đời Tây Chu, người ta đọc thấy trên đồ đồng các thông tin như tên người đúc, miếu hiệu người được kỉ niệm, hoặc nguyên do của việc đúc vật kỉ niệm, với độ dài từ dăm ba chục chữ đến gần 500 chữ, ví dụ trên Đỉnh đồng Mao Công (毛公鼎) cuối thời Tây Chu.
[5] Thiết định chức quan chép sử có thể tính từ thời Chu, có các danh xưng chức vụ sử quan như: đại sử, tiểu sử, tả sử, hữu sử. Trong Hán Thư – Nghệ văn chí có đoạn: “Tả sử ghi chép lời nói, hữu sử ghi chép sự việc; ghi chép sự việc có bộ Xuân Thu, ghi chép lời nói có bộ Thượng Thư” (Trương Thuấn Vi, Hán Thư – Nghệ văn chí thông thích, Hồ Bắc Giáo dục xuất bản xã, 1990, tr. 345).
[6] Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên, Văn học sử Trung Quốc, Tập 1 (Phạm Công Đạt dịch), Nxb Phụ nữ, 2000, tr. 113.
[7] Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên, sđd, 2000, tr. 161.
[8] Lương Khải Siêu, Tiên Tần chính trị tư tưởng sử, Nhạc Lộc thư xã, 2010, tr. 567.
[9] Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên, sđd, 2000, tr. 167.
[10] Sách Lão Tử – điển tịch của Đạo gia thời Tiên Tần thuộc thể văn ghi chép lời nói giống sách Luận ngữ, gồm khoảng năm nghìn chữ với những câu cách ngôn triết lí có cước vận, ngắn gọn mà sâu sắc. Có người cho rằng Lão Tử ra đời sớm hơn Luận ngữ, lại có người nói ra đời cùng thời với Luận ngữ.
[11] Lã Thị Xuân Thu là bộ sách do Lã Bất Vi – thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc (vốn xuất thân là thương nhân nước Vệ) sai các môn khách soạn. Bộ sách gồm 26 quyển, 160 thiên, được soạn công phu, có nội dung phong phú. Các môn khách của Lã Bất Vi đại diện đủ các trường phái học thuật tư tưởng, cho nên tác phẩm này như là sự tổng hợp có gạn lọc những sở trường tư tưởng của các học phái.
[12] Luận ngữ trở thành kinh điển của Nho gia từ đời Hán, cụ thể là sau khi Hán Vũ Đế đề xuất chủ trương “độc tôn Nho thuật”. Đến thời Tống, nhà diễn giải Nho học – Chu Hy tập hợp bốn sách Luận ngữ, Đại học, Mạnh Tử và Trung dung thành Tứ Thư làm bộ “gối đầu giường” cho giai tầng Nho sĩ.
[13] Dẫn theo Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên, sđd, 2000, tr. 172.
[14] Có thuyết nói rằng, trong khoảng từ đời Hán đến đời Tấn lưu truyền cuốn Trang Tử – bản 52 chương
[15] Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997, tr. 45.
[16] Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên, sđd, 2000, tr. 185.
Bài đã đăng trên Tạp chí Lý luận phê bình văn học – nghệ thuật, Số 5, tr. 156-164)